Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng – Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

          Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

          Trên thế giới, những lễ hội sách và ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước và cũng thêm phần khẳng định vai trò của sách và văn hoá đọc. Ở Việt Nam, ngày hội sách và văn hóa đọc đã và đang có sức lan tỏa rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, các tỉnh, thành trong cả nước.

          Việc chọn ngày 21/4 làm ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế nồng nhiệt đón nhận. Việc chọn ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại

          “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn” - Barack Obama, cựu tổng thống Mỹ cho hay. Có thể nói việc đọc sách luôn là một vấn đề trường tồn với thời gian, bởi sách chứa đựng rất nhiều kiến ​​thức trong cuộc sống, giúp chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy vốn từ vựng phong phú. Không chỉ vậy, đọc sách còn là phương pháp tự học hiệu quả và thiết thực nhất mà ai cũng có thể làm được. Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Hơn nữa, việc đọc sách cũng mang lại sự thư thái và sảng khoái, là một nguồn thưởng thức tuyệt vời, mọi nguồn cảm hứng, chỉ cho chúng ta mọi con đường đi cùng với kiến ​​thức tuyệt vời, nó giúp chúng ta trở nên tốt hơn mỗi ngày. Có thể hoàn toàn khẳng định, đọc sách mang lại nhiều vai trò quan trọng trong cuộc sống, giúp cho con người hoàn thiện nhân cách, trau dồi tri thức, tăng khả năng tập trung của não bộ, kích thích trí não, trải nghiệm được nhiều thế giới quan đa dạng và giải trí một cách lành mạnh. Chính vì vậy, chúng ta cần chung tay lan tỏa và tuyên truyền đến mọi người xung quanh về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách để tất cả chúng ta và hơn hết là các bạn trẻ ngày nay hình thành niềm đam mê đọc sách lành mạnh và bổ ích.

          Nhân ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) Thư Viện Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong xin giới thiệu đến bạn đọc quyển sách mang tên Gia đình, bạn bè và đất nước Cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước tái hiện cuộc đời và những dấu son trong sự nghiệp của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình - nhà ngoại giao kiệt xuất, người đã tham gia, chứng kiến những chuyển biến, thăng trầm của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu.

         Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Để có được chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử này, có sự đóng góp hi sinh của cả dân tộc Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình – một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.

         Cuốn sách được bà Nguyễn Thị Bình bắt tay viết từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009 và được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023. Từng trang hồi ký được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, không triết lý cao siêu mà gần gũi, sâu lắng, nhưng đã toát lên được tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, tấm lòng vì nước vì dân, tạo nên sức nặng trong từng câu, từng chữ của cuốn hồi ký.

          Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, với phương châm và thông điệp muốn gửi đến các bạn: “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng – Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thư Viện trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mong rằng mỗi chúng ta đều sẽ chung tay hưởng ứng và làm tỏa những ý nghĩa tích cực của việc đọc sách và cùng nhau xây dựng những góc học tập với đầy những quyển sách bổ ích, cũng như cùng nhau hình thành thói quen đọc sách thường xuyên để có thể mang lại nhiều lợi ích vô giá như phát triển khả năng tư duy, ghi nhớ, học tập được nhiều kiến thức, tri thức mới lạ, đồng thời thông qua những trang sách, ta còn có thể tìm ra nhiều nguồn cảm hứng mới trong cuộc sống, giúp ta tìm thấy con đường thành công của riêng bản thân mình. Để hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này, Thư Viện Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong giới thiệu với bạn đọc các hoạt động được tổ chức tại Đường Công xã Paris và Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến với đường sách nơi đây, các bạn có thể tham quan các gian hàng sách đến từ nhiều nhà xuất bản khác nhau với đa dạng nội dung từ các quyển sách kỹ năng mềm đến những cuốn sách tiểu thuyết đầy giá trị nội dung hiện thực, tất cả đều có thể tìm thấy ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Đặc biệt, đường sách Nguyễn Văn Bình năm nay còn có khu trưng bày, giới thiệu tác phẩm Đường Kách mệnh nhân kỷ niệm 100 năm ra đời tác phẩm. Các bạn còn có thể tham gia vào buổi tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Đến với buổi tọa đàm, các bạn hoàn toàn có thể đặt câu hỏi và lắng nghe chuyên gia trình bày về các cách để giúp trẻ nhỏ và các bạn trẻ dần dần hình thành thói quen đọc sách bổ ích trong cuộc sống thay thế cho những thói quen xấu, độc hại. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không tham gia vào các hoạt động sắp tới nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam? Chúng ta hãy cùng tham gia nhé!

Các tin khác: